Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Điện lực & Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương cho biết Chính phủ sẽ họp và đưa ra quyết định về mức giá bán điện mặt trời sản xuất từ nguồn lần thứ 2 (FIT 2) trong tuần này hoặc tuần tới. Các nhà đầu tư có mặt tại Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019, ngày 17/9, đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công Thương về thời điểm công bố và phương án tính giá FIT 2 khi giá FIT 1 (ở mức 9,35 cent/kWh) đã hết hạn từ ngày 30/6.
Lãnh đạo Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo cho biết, giá FIT chỉ áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định để khuyến khích sự phát triển của nguồn năng lượng, như trường hợp giá FIT 1 thời hạn cho các nhà đầu tư hòa lưới điện để hưởng giá ưu đãi là trước ngày 30/6. Nếu được Chính phủ đồng ý, có khả năng thời hạn của giá FIT 2 sẽ đến 31/12/2021.
Hệ thống pin nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi
Nhà đầu tư cũng bày tỏ lo ngại trước vấn đề quá tải đường dây truyền tải cục bộ và theo dự báo có khi tới năm 2022 – 2023 để cập nhật hệ thống lưới điện, trong khi đó, hiện nay nhiều nhà máy đã phải giảm phát.
Ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược Phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, cả nước đã phát được 2,85 tỷ kWh điện mặt trời, đạt 106,5% kế hoạch năm. Theo ông Đăng, kế hoạch do Bộ Công Thương phê duyệt cuối năm 2018 cũng chưa tính được hết mức độ bùng nổ của điện mặt trời.
Các nhà máy điện mặt trời đưa vào hoạt động nhanh và quy mô lớn trong nửa đầu năm nay, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình thuận dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ lưới điện. “Thông thường, đầu tư xây dựng lưới điện phải mất vài năm mới có thể đi vào hoạt động nhất là khi hiện nay thủ tục xây dựng rất lâu. Trong khi đó, tiến độ từ khi khởi công tới khi hòa lưới điện mặt trời chỉ mất vài tháng nên quá tải cục bộ lưới điện quốc sẽ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới”, ông Đăng cho hay.
Đại diện EVN cho rằng ngay từ khi quyết định, các nhà đầu tư cũng đã lường trước việc quá tải cục bộ của hệ thống truyền tải này. Tuy nhiên, mức giá 9,35 cent/kWh rất hấp dẫn và họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ông Đăng cho rằng không còn giải pháp nào tốt hơn để xử lý vấn đề này ở thời điểm hiện tại. Trước đây, EVN cũng có đề xuất nhà đầu tư lắp thêm hệ thống pin dự trữ để có thể tích điện. Điều này xét về kĩ thuật sẽ rất hiệu quả và giảm áp lực cho đường dây tải điện. Tuy nhiên, vì lí do tài chính và hiệu quả lợi nhuận không cao nên nhà đầu tư không làm.
Trước câu hỏi của nhà đầu tư về cơ chế mua bán điện trực tiếp từ nguồn điện và nơi tiêu thụ, ông Đăng bình luận, điều này phải phụ thuộc vào sự chấp nhận của khách hàng. Hiện nay khách hàng đang mua điện của EVN với giá 8 cent/kWh. Trong khi đó, giá điện mặt trời hiện tại là 9,35 cent/kWh, tính thêm chi phí truyền tải và chi phí phân phối khoảng 1,7 cent/kWh, giá điện mặt trời tới khách hàng sẽ là 11 cent/kWh.
Đại diện EVN thông tin, để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, tập đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT để có thể đưa vào vận hành thêm 12.700MW điện mặt trời và 7.200 MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023. Theo EVN, cần ưu tiên phát triển các dự án đã có quy hoạch và không bị ràng buộc lưới điện truyền tải.
Đối với các điện mặt trời mái, EVN cho rằng nên duy trì cơ chế giá điện 9,35Uscent/kWh như hiện nay để khuyến khích đầu tư tối thiểu thêm 2.000MW điện.
Tập đoàn điện lực kiến nghị cần sớm hoàn thiện và ban hành các quy định, cơ chế chính sách để thực hiện phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió theo hình thức đấu thầu nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án.
Nguồn: Theo NĐH